Kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao, Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng
6/6/2023
Những thông tin tuần qua cho thấy kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn khi tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chậm lại, lạm phát tại Mỹ tăng trở lại và kinh tế Đức chính thức suy thoái kỹ thuật. Trong khi đó kinh tế trong nước có t
Nhìn chung, lạm phát và lãi suất tiếp tục ở mức cao, nền kinh tế đầu tàu khu vực rơi vào suy thoái là những thách thức đối với nền kinh tế khu vực châu Âu trong các tháng còn lại của năm 2023
1.Kinh tế thế giới
Những thông tin tuần qua cho thấy kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn khi tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chậm lại, lạm phát tại Mỹ tăng trở lại và kinh tế Đức chính thức suy thoái kỹ thuật.
- Tại Trung Quốc: Hoạt động chế tạo trong tháng 5/2023 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà phục hồi. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của lĩnh vực chế tạo - thước đo chủ chốt đối với sản lượng của các nhà máy - đã giảm xuống 48,8 trongtháng 5/2023, tiếp tục nằm dưới mốc 50 điểm - mốc phân tách giữa tăng trưởng và thu hẹp và giảm so với mức 49,2 trong tháng 4/2023. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2023. Các công ty tiếp tục chật vật với những áp lực về lợi nhuận thặng dư trong bối cảnh lực cầu yếu ớt do nền kinh tế không phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận công nghiệp giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 4, mức giảm là 18,2% sau khi giảm 19,2% trong tháng 3. Kinh tế Trung Quốc còn đối mặt với nhiều áp lực như khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, niềm tin của người tiêu dùng yếu và nguy cơ suy thoái ở những nền kinh tế khác.
Tại Mỹ: Theo báo cáo Beige Book được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 31/5/2023, kinh tế Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tuần gần đây khi tăng trưởng việc làm và lạm phát đều chậm lại. Theo đó, việc làm gia tăng ở hầu hết các quận của Mỹ,nhưng với tốc độ chậm hơn so với các báo cáo trước đó. Nhìn chung, thị trường việc làm tại Mỹ tháng 5/2023 vẫn vững, sau khi Báo cáo JOLTS của Bộ Lao động Mỹ cho thấy cơ hội việc làm tháng 4/2023 tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng, đạt 10,2 triệu việc làm, tăng 358 nghìn so với tháng trước đó.
Trong khi đó, khảo sát của FED cũng cho thấy lạm phát tháng 5/2023 chậm lại sau khi tăng trong tháng 4/2023. Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của nước này tháng 4/2023 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng từ mức 4,2% của một tháng trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2023 PCE hằng năm của Mỹ tăng, chủ yếu do tăng giá dịch vụ, thực phẩm và hàng hóa. Trong khi đó, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) trong tháng 4 cũng tăng lên 4,7%. Lạm phát cao và việc hết trợ cấp COVID-19 đang gây áp lực lên ngân sách của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Lạm phát cao, diễn biến đàm phán trần nợ công đã có tác động đến tâm lý người tiêu dùng Mỹ. Theo đó, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board giảm xuống 102,3 trong tháng 5/2023 từ 103,7 trong tháng 4 (được sửa đổi từ 101,3).
Tại châu Âu: Kinh tế châu Âu đối mặt với nhiều khó khăn khi nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức chính thức rơi vào suy thoái, tỷ lệ lạm phát của nhiều nền kinh tế trong tháng 5/2023 đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Theo đó, Đức đã chính thức bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật với những thống kê cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 0,3% trong quý đầu tiên của năm 2023. Kinh tế Đức bước vào suy thoái trong bối cảnh lạm phát tăng cao và lãi suất cao trên toàn khu vực.
Tháng 5/2023, tỷ lệ lạm phát ở Đức, Italy, Pháp tiếp tục giảm. Theo tính toán sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), tỷ lệ lạm phát ở nước này tiếp tục giảm trong tháng 5/2023 khi giá tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng tháng năm ngoái; tại Italia lạm phát của nước này trong tháng 5/2023 cũng giảm từ 8,2% của tháng 4/2023 xuống còn 7,6% trong tháng 5/2023; lạm phát của Pháp trong tháng 5/2023 cũng đã hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong vòng một năm, ở mức 6,0%, sau khi đạt 6,9% trong tháng 4/2023.
Tuy nhiên, lạm phát này ở mức quá cao so với lạm phát mục tiêu 2% và Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 15/6/2023. Ngân hàng này đã tăng lãi suất thêm 375 điểm cơ bản kể từ tháng 7/2022. Nhìn chung, lạm phát và lãi suất tiếp tục ở mức cao, nền kinh tế đầu tàu khu vực rơi vào suy thoái là những thách thức đối với nền kinh tế khu vực châu Âu trong các tháng còn lại của năm 2023.
2. Kinh tế Việt Nam
Tháng 5/2023, kinh tế trong nước có tín hiệu cải thiện khi các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy hoạt động sản xuất có dấu hiệu khởi sắc, tổng mức bán lẻ trong nước tiếp tục tăng, trong khi hoạt động xuất, nhập khẩu cải thiện. Cụ thể:
- Sản xuất công nghiệp: Tháng 5/2023, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc hơn so với tháng 4/2023 khi ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 ước tính đạt 519 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước do trong tháng có chuỗi ngày nghỉ lễ nên nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân tăng cao hơn tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).
- Hoạt động xuất nhập khẩu: Tháng 5/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 tăng so với tháng 4/2023 nhờ hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo ước tính, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2025 đạt 55,86 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đều có mức giảm chậm lại đáng kể. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước, chỉ còn giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022 so với mức giảm 16,2% so với cùng kỳ của tháng 4/2023; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2022, cải thiện so với mức giảm 23,1% so với cùng kỳ trong tháng 4/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,6%; nhập khẩu giảm 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD.
- Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ: Giá lương thực, thực phẩm tăng, giá điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước; So với tháng 12/2022 CPI tháng 5/2023 tăng 0,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%. Lạm phát cơ bản tháng 5/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%). Bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,51% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Nguồn: Văn Phòng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam